Bạn có tin, chỉ cần loại bỏ phần mốc thì bánh mì mốc, pho mát mốc... vẫn có thể ăn ngon lành không?
Hẳn nhiều người trong chúng ta có thói quen kiểm tra hạn sử dụng của đồ ăn bằng cách nhìn tem mác ở trên bao bì hoặc ngửi để xem thực phẩm có bị thiu, hỏng hay không. Và khi phát hiện thực phẩm đã quá hạn với ngày ghi trên bao bì, ta thường vứt bỏ chúng ngay trong một nốt nhạc.
Tuy nhiên, một thống kê cho thấy, chúng ta đang vứt bỏ khoảng 19% tổng số lượng thức ăn ta đã mua - tương đương khoảng 7 triệu tấn thức ăn và đồ uống mỗi năm mà không biết rằng - đa phần thực phẩm này vẫn còn dùng được.
Nhiều chuyên gia tiết lộ, có khá nhiều loại thực phẩm vẫn ăn được dù quá hạn dùng in trên bao bì. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định chính xác thời hạn, mùi vị của những loại thực phẩm chúng ta sắp tiêu thụ liệu còn đủ đảm bảo nữa hay không.
Dưới đây là một vài gợi ý hữu ích dành cho bạn:
Sữa: Sữa tiệt trùng có thể dùng lâu hơn hạn sử dụng khoảng 50% thời gian ghi trên bao bì nếu như được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Tốt nhất, bạn hãy đặt sữa ở trong lòng của tủ lạnh chứ không phải là cánh cửa tủ lạnh.
Tuy nhiên, hương vị và chất lượng của sữa sẽ không được đảm bảo tươi ngon như lúc ban đầu. Nếu sữa đã lên men, bạn nên sử dụng nó để làm bánh.
Trứng: Báo cáo của các nhà khoa học thực phẩm Dana Gunders - trứng có thể để được 3 - 5 tuần sau ngày hạn dùng in trên hộp đóng gói. Tuy nhiên, trứng phải được lưu giữ ở nhiệt độ dưới 5 độ C để ngăn ngừa sự tăng trưởng của vi khuẩn Salmonella enteritidis liên quan đến ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm có đường: Một số loại thực phẩm chứa nhiều đường như mứt, mật ong được cho là vẫn an toàn để sử dụng khi đã quá hạn.
Dưa muối của Đức, kim chi Hàn Quốc: Loại thực phẩm này được cho là an toàn khi đã được ướp muối, phơi hay sấy khô trước đó.
Khoai tây chiên giòn: Mặc dù khoai có thể bị ỉu, không còn giòn nữa nhưng loại khoai tây chiên giòn đóng gói đã được xử lý và "cõng" thêm một chút muối trên mỗi thành phẩm. Do đó, bạn có thể sử dụng chúng 3 tuần sau khi đã hết hạn sử dụng.
Bánh quy: Gần giống với khoai tây chiên giòn, bánh quy cũng đã được xử lý trong khâu sản xuất nên có thể sử dụng sau thời gian hết hạn. Nếu muốn làm bánh giòn trở lại, bạn có thể nướng thêm lần nữa, tuy nhiên, đừng nên sử dụng bánh quá 2 tháng với hạn được ghi trên bao bì.
Mỳ ống: Đây được cho là loại thực phẩm khô và được nấu chín khi sử dụng. Do đó, nếu được bảo quản ở nơi kín gió, khô ráo, ta có thể sử dụng chúng vô thời hạn.
Bánh mì: Bạn hãy lưu giữ bánh mì trong tủ lạnh để có thể kéo dài tuổi thọ của loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn là sẽ loại bỏ những phần bị mốc ở bánh mì trước khi sử dụng.
Thực phẩm đóng hộp: Bạn có thể kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm đóng hộp bằng cách lưu giữ chúng trong một nơi mát và tối.
Xà lách đóng gói: Miễn là xà lách của bạn không bị dập nát (héo và dập nát khác nhau), bạn hoàn toàn có thể ngâm chúng trong nước lạnh để hồi sinh chúng.
Thịt: Nếu được làm lạnh đúng cách, thịt có thể ăn 2 ngày so với thời hạn ghi trên bao bì. Tốt nhất, bạn cũng nên ngửi thử thực phẩm của mình để đảm bảo chúng không bị ôi, thiu. Với thịt sấy khô, thời hạn của thịt có thể lên đến 120 ngày nhưng chú ý không ăn phần thịt đã bị mốc nhé!
Pho mát: Nếu pho mát bị mốc, bạn có thể cắt bỏ lớp mốc ở trên tảng pho mát, tất nhiên cần phải cẩn thận để dao không bị nhiễm nấm mốc, phần còn lại hoàn toàn ăn được. Lý do là bởi, cheddar and parmesan là các loại pho mát khô, trong khi nấm mốc cần độ ẩm để sinh sôi phát triển, nên chúng thường không thâm nhập xuống sâu phía dưới bề mặt pho mát.
Phân biệt use by date (sử dụng trước ngày) và best before date (sử dụng tốt nhất trước ngày...) ghi trên bao bì
Use by date (Sử dụng trước ngày…): thường được in trên bao bì các loại thực phẩm như: rau quả, salad, cá, pho mát mềm, sữa... nói chung là các thực phẩm mau hỏng, có hạn ngắn.
Use by date chỉ ra thời hạn sử dụng an toàn của thực phẩm hơn là chất lượng của loại đồ ăn đó. Có nghĩa là bạn không nên ăn hay uống các loại đồ ăn này sau ngày đã được in trên bao bì.
Nếu bạn sử dụng cố những thực phẩm đã quá ngày quy định, bạn có nguy cơ bị ngộ độc. Nếu không thể dùng đúng hạn mà không muốn vứt bỏ thì bạn hãy thử đọc kỹ hướng dẫn hoặc thử xem việc hóa đông thực phẩm có thể kéo dài được thời hạn hay không?
Best before (sử dụng tốt nhất trước ngày...): thường thấy trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, các thực phẩm có thể để được lâu.
Cụm từ này nhằm chỉ chất lượng thực phẩm hơn là độ an toàn của nó. Các thức ăn sẽ có chất lượng tốt nhất khi được dùng trước ngày ghi trên bao bì.
Thực phẩm được sử dụng sau ngày “best before date” thậm chí vẫn an toàn nhưng không giữ được hương vị vốn có hay không còn mịn, mềm như trước.
Tuy nhiên đối với một số loại thực phẩm như trứng thì bạn không nên cố dùng khi đã quá ngày quy định, vì trứng một khi đã không còn ở chất lượng tốt nhất sẽ rất dễ gây ngộ độc cho cơ thể.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét