Trong không khí rạo rực chào đón xuân mới Bính Thân 2016, ông bố bà mẹ nào cũng muốn sắm sửa cho các bé yêu nhà mình những bộ đồ đẹp để diện Tết, những món ăn ngon để thưởng thức và những chuyến du xuân thật vui. Bên cạnh đó, một điều quan trọng không kém mà các bậc phụ huynh nên lưu ý chính là những quy tắc ứng xử cần dạy con ngày Tết. Để tránh tình trạng gặp phải những sự cố xấu hổ vì con chưa có cách cư xử đúng mực trước mặt khách, bố mẹ nên dạy con những câu nói cần thiết sau:
Câu chúc Tết
Rất nhiều trẻ khi đi chơi Tết, gặp người lớn chỉ biết nói câu chào mà không biết phải chúc Tết như thế nào. Thực ra, nếu bố mẹ kiên nhẫn dạy con thì trẻ hoàn toàn có thể thực hiện được bởi đây là một kĩ năng giao tiếp cơ bản. Trẻ có xu hướng rụt rè, nhú nhát khi đối diện với người lạ nhưng nếu được bố mẹ động viên, khích lệ và hướng dẫn chuẩn bị câu chúc nhuần nhuyễn từ trước thì chuyện chúc tết sẽ trở nên đơn giản.
Bố mẹ có thể dạy con những câu chúc sẵn từ khi ở nhà để bé tập nhiều lần cho quen. |
Bố mẹ có thể dạy con những câu chúc sẵn từ khi ở nhà để bé tập nhiều lần cho quen. Lời chúc nên ngắn gọn, súc tích hoặc có vần có điệu để trẻ dễ nhớ, dễ thuộc. Điều quan trọng là luôn cổ vũ, khích lệ trẻ bởi dù lời chúc của trẻ có ngượng nghịu, ngô nghê đến mấy thì người lớn vẫn luôn rất vui khi đón nhận tình cảm từ những cô bé, cậu bé trong sáng, ngây thơ.
Câu cảm ơn chân thành khi nhận lì xì
Cha mẹ cần giải thích ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa lì xì ngày Tết, để con biết rằng mừng tuổi là để con hay ăn chóng lớn, gặp nhiều may mắn chứ không phải xem nặng vấn đề có bao nhiêu tiền trong phong bao lì xì. Cách tốt nhất là dạy con nói câu cảm ơn và cất bao lì xì vào túi, không khen chê tiền ít nhiều, không nghịch ngợm hay rút tiền ra xem ngay trước mặt người vừa mừng tuổi cho bé.
Câu nói lịch sự khi ngồi vào bàn ăn
Ăn uống và đi chơi là hai chuyện chính trong những ngày Tết. Bởi thế, cha mẹ không thể quên việc dạy con cách cư xử, giao tiếp lễ phép khi ngồi vào bàn ăn. Cần dạy bé cách mời mọi người dùng bữa trước khi bắt đầu ăn, cách nhờ vả lịch sự với người khác khi cần gắp hộ thức ăn, lấy thêm đũa, bát, khăn giấy,... Bên cạnh đó, nên hướng dẫn bé cả những tác phong như ngồi ý tứ, ăn uống nhẹ nhàng, nếu ho khi đang ăn phải quay ngay ra chỗ khác và lấy tay che miệng,...
Hầu hết ngày Tết, chủ nhà thường giữ khách lại để cùng ăn cơm với gia đình. Người lớn có thể nhâm nhi chén rượu hoặc uống cốc bia vui xuân, nhưng trẻ em vốn phản xạ theo tự nhiên, khi đã ăn no rồi, trẻ sẽ nhất quyết từ chối. Có trẻ sẽ quậy phá trong bữa cơm, có trẻ sẽ ngồi im nhìn mọi người bằng khuôn mặt khá phụng phịu.
Cách giải quyết tốt nhất cho tình huống này chính là bố mẹ chủ động mang theo trò chơi cho bé chơi hoặc cho con ra xem ti vi, ngồi đợi bố mẹ.
Đối với trẻ ăn ngậm, ăn chậm hoặc lười ăn, bạn có thể cho con ăn ít, về nhà ăn tiếp. Không nên ép con ăn, nhất là khi mình là khách đến chơi.
Dạy con làm một người chủ nhà rộng lượng
Đầu tiên cần cho con học các ngôn từ lễ phép, những lời chúc đẹp và thích hợp. Con bạn có thể nói “Con chúc mọi người một năm mới tốt lành!” chứ không phù hợp với câu: “Chúc phát tài” hay "Cung chúc tân xuân". Bất kì ai gọi điện đến nhà hay khách tới nhà đều nhớ nói lời chúc.
Ngoài ra, bé cần học cách tiếp đãi khách như mang nước, bày đồ ăn … dựa vào trình độ năng lực của từng trẻ. Đối với trẻ có độ tuổi nhỏ cần chú trọng vào thái độ lễ phép hơn, khi khách hỏi cần trả lời trung thực, luôn mang vẻ mặt thái độ vui vẻ. Khi cha mẹ đang nói chuyện với khách không được xen ngang, nô đùa ầm ĩ, không được tranh luận hay bình phẩm với khách. Cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ, kịp thời ngăn chặn những hành động không tốt của trẻ như chuyển chủ đề cho trẻ quên đi.
Cuối cùng là dạy trẻ cách lịch sự khi tiễn khách, thể hiện cảm tình như “cô chú lần sau lại tới nhà cháu chơi”… Cha mẹ cần chú ý không nhận xét sau khi khách đã về. Điều này khiến trẻ rất dễ học theo thói quen nói xấu sau lưng người khác.
Theo Khỏe và Đẹp
Đăng nhận xét