Những cơn ăn vạ khá phổ biến ở lứa tuổi 2-3 khi trẻ em bắt đầu hiểu thế giới xung quanh. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, sự cáu giận có thể trở thành thói quen, thậm chí tính cách sau này của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần giải quyết vấn đề ở ngay điểm xuất phát. Bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây của Familyshare:
Ảnh: FamilyShare
Không nhượng bộ với cơn cáu giận
Trẻ sẽ học được từ phản ứng của bạn. Nếu bạn cho chúng thanh kẹo tại cửa hàng khi chúng khóc, chúng sẽ hiểu rằng: Tất cả những việc chúng phải làm là khóc để đạt được những gì mình muốn trong lần tới.
Không biến cơn thịnh nộ thành buổi biểu diễn
Nếu đang ở chỗ công cộng, hãy tìm nơi nào bạn có thể bình tĩnh nói chuyện với trẻ mà không có người khác xen vào. Đôi khi bạn không có lựa chọn nào khác thì đành phải chấp nhận rằng bạn cũng phải xử lý cơn giận của trẻ ở nơi công cộng.
Nói chuyện khi trẻ bình tĩnh
Khi trẻ đang ở giữa cơn giận, bạn nên bình tĩnh và không nên đưa ra lý do nào với trẻ. Khi trẻ đã làm chủ được cảm xúc của mình, lúc đó mới giáo dục trẻ và thiết lập các giới hạn.
Kỹ thuật phân tâm
Khi trẻ bắt đầu khóc, mặt bắt đầu giận dữ, mày cau lại, chân giậm bình bịch, bạn có thể làm 12 điều dưới đây:
1. Bảo đứa trẻ đi sang phòng khác để giúp trẻ ra khỏi hoàn cảnh khiến chúng giận dữ. Có thể cho chúng về phòng riêng.
2. Có thể cho trẻ ra ngoài chơi, chạy nhảy sẽ làm chúng tiêu hao bớt năng lượng. Hành động này không giúp giải quyết vấn đề nhưng có thể giúp trẻ yên bình trở lại và quên mất việc cáu giận.
3. Hát cùng nhau những bài hát vui vẻ, thậm chí có thể cùng nhau nhảy để thay đổi tâm trạng.
4. Nếu có thể, hãy nói rằng bạn sẽ làm một việc gì đó và rời đi. Bạn có thể rủ trẻ đi cùng mình hoặc để trẻ tự bình tĩnh trong lúc bạn đi. Đứa trẻ biết điều này sẽ khiến nó không còn bực bội nữa và nó sẽ muốn đi với bạn.
5. Kể một câu chuyện về cơn giận của trẻ, nhưng lấy một chủ thể khác, ví dụ con chim hay con cáo. Nghe tình huống tương tự của một đối tượng khác theo một cách vui vẻ sẽ giúp trẻ hiểu được chúng đang làm gì.
6. Kể một câu chuyện vui. Điều này sẽ giúp cải thiện tâm trạng của cả trẻ và bạn trước khi bắt tay giải quyết vấn đề đã khiến trẻ cáu giận.
7. Gọi thú cưng. Hãy để trẻ vuốt ve thú cưng trong khi cùng bạn giải quyết vấn đề. Có một thứ khác bên cạnh sẽ giúp trẻ bình tĩnh khi bạn nói với trẻ về bài học quan trọng của việc quản lý cảm xúc.
8. Giữ vững lập trường của bạn trước cơn giận. Ví dụ trước khi rời nhà, hãy bình tĩnh giải thích bạn sẽ đi đâu, bạn sắp làm gì và bạn chờ đợi gì ở trẻ. (Mẹ ra siêu thị, chúng ta chỉ mua sữa và không mua kẹo hay đồ chơi, con có hiểu không). Không dọa trẻ, mà nói với chúng bằng tình yêu và sự quan tâm.
9. Đề nghị trẻ diễn đạt những gì chúng cần và muốn bằng lời nói. Rất nhiều lần trẻ cáu giận, ăn vạ vì không đủ từ diễn đạt mong muốn của mình. Quan tâm đầy đủ đến trẻ, bạn có thể giúp trẻ tìm ra từ để nói về cảm nghĩ của mình.
10. Hiểu rõ trẻ. Không ai hiểu rõ con hơn bạn, vì thế hãy nghĩ tới những điều có thể khiến trẻ căng thẳng. Khi bạn biết trẻ muốn gì, bạn có thể giúp trẻ chuẩn bị cách phản ứng đúng đắn.
11. Hãy tạo một từ bí mật mà trẻ có thể dùng khi cần cho bạn biết điều gì đó quan trọng. Bằng cách này, bạn và trẻ có thể trò chuyện bí mật ngay cả khi đang ở cạnh những người khác. Trẻ chỉ cần nói một từ này thay vì la hét để thu hút sự chú ý của bạn.
12. Phát huy trí tưởng tượng của bạn. Khi bạn đã biết tại sao trẻ giận dữ, hãy dùng cách giải thích lý do sáng tạo và ngây ngô của trẻ để giúp trẻ bình tĩnh. Phương pháp này không phải là nói dối hay dọa trẻ sợ mà là khiến chúng quên mất cơn giận và ngăn chặn việc giận dữ trở thành thói quen.
Theo VNE
Đăng nhận xét