Tristan và Iseult (Anh)
“Tristan và Iseult” là chuyện tình lãng mạn nhưng đầy bi thương thời Trung cổ. Một trong những câu chuyện tình nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại dựa trên một huyền thoại của người Celt, trở nên nổi tiếng suốt thế kỷ 12 trong văn thơ Pháp.
Hiệp sĩ Tristan mang sứ mệnh tìm đường qua Ái Nhĩ Lan (Ireland) để ngỏ lời cầu hôn câu công chúa Iseult cho chú của chàng là vua Mark. Tuy nhiên, hoàng hậu Ái Nhĩ Lan sợ rằng con gái mình không yêu vua Mark nên làm một thứ rượu bùa để hai người uống trong hôn lễ.
Nhưng trên đường về xứ Cornwall, Tristan và Iseult uống nhầm rượu ấy nên phải lòng nhau. Vì mắc bùa, họ yêu nhau bất chấp tất cả nhưng vẫn trung thành với vua Mark. Sau khi biết chuyện, vua Mark nổi giận đã bắt nhốt Iseult và ra lệnh xử tử Tristan. Nhờ sự giúp sức của nhiều người Tristan và Iseult chạy trốn vào rừng của xứ Morrouis.
Sau này, mặc dù được vua Mark tha thứ, Tristan đã quyết định trả Iseult cho vua và cưới quận chúa Iseult “bàn tay trắng” làm vợ bởi tên gọi của nàng gợi nhớ đến tình yêu trong trái tim chàng. Trong một lần đấu kiếm danh dự, Tristan bị trong thương và đã sai gia nhân rước Iseult về vì chàng biết rằng chỉ có Iseult mới giúp chàng hồi phục. Chàng dặn gia nhân nếu Iseult còn yêu chàng và đồng ý đến thì khi thuyền vào cửa biển hãy căng buồm màu trắng còn không thì căng buồm màu đen.
Quận chúa Iseult biết được bí mật này, lòng ghen nổi nên, bà đã vạch ra âm mưu phá vỡ kế hoạch của Tristan. Khi thuyền của Iseult cặp bến, quận chúa đến bên giường chồng và nói chiếc buồm căng màu đen. Nghe vậy, Tristan tuyệt vọng, quay mặt vào tường và chết tức tưởi. Iseult đến nơi, thấy chàng đã chết, nàng đau đớn lao đến ôm chàng rồi tắt thở. Sau đó, hai người được chôn cất cùng nhau.
Odysseus và Penelope (Hy Lạp)
Penelope là công chúa xứ Spart và là vợ của Odysseus, vua xứ Ithaca. Nàng không những xinh đẹp mà còn là người phụ nữ thông minh. Đặc biệt, nàng là người vợ thủy chung chờ đợi chồng ròng rã suốt 20 năm. Penelope trở thành biểu tượng của tấm lòng thủy chung sắt đá của thần thoại Hy Lạp.
Khi Penelope vừa mới sinh hạ con trai đầu lòng Telemachus, thì Odysseus (Ô-đi-xê) phải tham gia vào cuộc chiến thành Troja. Chiến tranh đã kết thúc nhưng Odysseus vẫn bặt vô âm tín, ai cũng nghĩ rằng chàng đã bỏ mạng nơi chiến trường. Nhưng Penelope vẫn không nguôi hy vọng một ngày chàng trở về.
Trong suốt 20 năm chờ đợi, nàng đã tìm mọi cách để khước từ 108 người cầu hôn nàng. Những người đến cầu hôn vô cùng ngang ngược và làm đủ mọi điều ngông cuồng khiến nàng buộc phải hứa sẽ chọn một trong số đó làm chồng. Để trì hoãn, Penelope vờ may tấm áo tang cho vua cha Laertes và nói rằng nàng chỉ nhận lời cầu hôn khi may xong. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là nàng lại ngồi dệt vải trước mặt đám đông, nhưng khi đêm đến, nàng lại tháo tấm vải mình vừa dệt ra.
20 năm đợi chờ và kiên định niềm tin đã giúp nàng Penelope trở thành biểu tượng của tấm lòng thủy chung sắt đá.
Công chúa Ngọc Anh (Việt Nam)
Công chúa Ngọc Anh là vị công chúa thứ ba của Nguyễn Ánh, khi chạy trốn cùng với vua cha tuổi đời còn nhỏ, nhưng lại là người uyên thâm về Phật học, từ bé đã chăm chỉ đi chùa chiền, lễ tạ, chịu khó ăn chay trường và tụng kinh niệm Phật.
Chuyện tình của nàng công chúa triều Nguyễn là câu chuyện bi ai nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Thuở đó đất phương Nam có một vị Thiền sư nổi tiếng là Liễu Đạt Thiệt Thành, đức độ và sự uyên bác của ông thì ai cũng kính nể. Theo sử sách ghi lại, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành có dáng người cao to, gương mặt tuấn tú, phúc hậu, giọng nói truyền cảm, dáng vẻ oai nghiêm, đĩnh đạc, có tài hùng biện.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được được vua Minh Mạng vời về kinh thành Huế để làm tăng chùa Thiên Mụ và giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc Nguyễn. Ngay khi gặp Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đem lòng say đắm vị Thiền sư.
Tình yêu của công chúa đã mở đầu cho một tấn bi kịch. Vì tấm lòng kiên định theo con đường tu hành, nhà sư đã tìm mọi cách tránh né. Năm 1821, mượn cớ hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch, thiền sư trở về chùa Từ Ân để chịu tang, rồi ở lại luôn đó. Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nhưng nào ngờ công chúa Ngọc Anh vẫn tìm đến gặp. Thiền sư quyết định lánh mặt nên đã lên chùa Đại Giác nhập thất hai năm.
Công chúa không thể gặp được người nàng thầm mong nhớ nên tâm bệnh thêm nặng, sức khỏe ngày một sa sút trầm trọng. Trước tình hình đó, mọi người trong chùa Từ Ân đành tiết lộ nơi thiền sư đang ngụ. Công chúa cùng với phái đoàn hộ tống lại lên chùa Đại Giác để dâng lễ cúng dường, và tìm đến tịnh thất của thiền sư.
Ngọc Anh công chúa nhiều lần xin gặp mặt nhưng thiền sư vẫn im lặng. Không còn cách nào khác, công chúa bèn quỳ trước cửa tịnh thất và thưa rằng: “Nếu hòa thượng không tiện ra tiếp, xin hãy cho con nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan mà ra về”. Im lặng vài phút, thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất. Công chúa vội ôm bàn tay rồi sụp xuống lạy và khóc.
Đêm hôm ấy vào khoảng canh ba, khi mọi người đang yên giấc, bỗng tịnh thất của thiền sư bốc cháy. Chỉ còn lại bài thơ của thiền sư trên vách chánh điện được viết bằng mực đen:
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.
Thiền sư đã dùng ngọn lửa tự thiêu để thức tỉnh và giáo dục công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Nhưng vì quá si tình, Ngọc Anh công chúa cũng uống độc dược quyên sinh tại hậu liêu chùa Đại Giác, kết thúc một mối tình đơn phương bi thương.
Romeo và Juliet (Italy)
Câu chuyện tình yêu bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague và Juliet, con gái họ Capulet đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Capulet, do là dạ tiệc hoá trang nên Romeo mới có thể trà trộn vào trong đó. Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Friar Laurence bí mật làm lễ cưới.
Đột nhiên xảy ra sự việc xung khắc, anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn rất thân của Romeo là Mercutio. Để trả thù cho bạn, Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên sâu nặng. Vì tội giết người nên Romeo bị trục xuất khỏi Verona và bị đi đày biệt xứ.
Tưởng như mối tình của Romeo và Juliet bị tan vỡ khi Romeo đi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho Bá tước Paris. Juliet cầu cứu sự giúp đỡ của tu sĩ Laurence. Tu sĩ cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 24 tiếng. Tu sĩ sẽ báo cho Romeo đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Verona.
Đám cưới giữa Juliet và Paris trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ. Tu sĩ chưa kịp báo cho Romeo thì từ chỗ bị lưu đày nghe tin Juliet chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Trên đường về chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nghĩa địa, gặp Paris đến viếng Juliet, Romeo đâm chết Paris rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh đã chết, Juliet rút dao tự vẫn.
Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp và bắt tay nhau đoàn tụ, nhưng câu chuyện tình yêu ấy vẫn mãi sẽ là nỗi đau rất lớn trong lòng những người biết đến họ.
Ngưu Lang – Chức Nữ (Trung Quốc)
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7.7 âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu.
Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lện họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa.
Đăng nhận xét