Người Việt mình có câu: “công cha như núi Thái sơn…”, cho thấy từ xa xưa, xã hội VN đã có cái nhìn về vai trò người cha to lớn ra sao. Tuy chỉ đứng hạng 3 trong “chỉ số tôn kính” (quân, sư, phụ) nhưng bố là cả một cái gì... khá nghiêm trọng, chả thế mới có câu… đầy đe dọa như “con không cha như nhà không nóc…”
Chúng ta đều biết nuôi dạy con cái là kinh nghiệm trung tâm của cả một đời, là nguồn cung cấp cho bậc cha mình ý thức về vai trò của chính mình, một nguồn hạnh phúc và hãnh diện vô bờ và ý thức của nghĩa phu thê cũng được tăng cao.
Nhưng có một sự thật là từ hai trăm năm nay, từ đông sang tây, người bố đã “…biến chất” khá nhiều trong cặp mắt của mọi người, kể cả của người bố và đứa con. Càng lúc bố càng để lại cho con iùt quyền lực hơn, ít trí tuệ hơn và… ít tình thương hơn (cái khoảng này làm mấy ông bố thương con ra rít hơi nhột!)
Sau thời kỳ cách mạng công nghiệp (the Industrial Revolution), khái niệm về người bố càng thay đổi kịch liệt hơn. Bỗng nhiên mấy tay kinh tế gia trồng lên đầu người bố cái chức năng là “thằng cha đi ra ngoài kiếm việc làm”. Trong 2 người, vì bố không... có sữa cho con bú, nên bổn phận “get out” là của ổng!. Và ổng chỉ “get in” khi trời đã chạng vạng hay có khi là cuối tuần!
Kết quả, hình ảnh người cha chỉ thuần túy, qua thời gian, được đồng hóa với gã… đi kiếm tiền (making money). Bố không còn làm những chuyện ngày xưa hay làm trong gia đình, mà chính yếu trở thành “người cung cấp” (Father the Provider).
Khi trở thành người lượm bạc cắc một cách chân chính thì thước đo giá trị của bố vô hình trung lại là do cái đống... bạc cắc đó cao hay thấp. Một ông bố giàu và thế lực kinh tế khá hùng mạnh thì dễ trở thành”độc tài Hitler” (a potential tyrant) mà hễ thất bại thì cái chức… danh hề (buffon) không còn xa!
Trong gia đình bố không còn được lượng giá theo thước đo của một người cha cổ truyền, nhưng lại theo cái “danh giá” mà xã hội trao cho, theo cách “tranh đấu sặc máu” để trở thành nhà vô địch, mà ác là nhà vô địch chỉ có một mà… hỏng phải quán quân thì hàng tá, thế mới phiền!
Dần dần, công việc của bố không còn được hiểu là “kiếm tiền nuôi tụi con”, mà là làm việc chỉ để… có công việc để làm. “Ông ta là” được hiểu do “ông ta làm việc” (homolaboriosus).Cái khốn khổ của mấy ông bố thời đại là làm việc hùng hục không phải để mang bạc cắc nhiều về cho má bầy trẻ mà chính là có được danh giá trong cặp mắt của bạn đồng nghiệp. Nhiều ông bố còn nghĩ là mình đã “xông pha trận mạc để chinh phục thế giới theo kiểu Bill Gates”, còn gia đình nhỏ bé thì… mời đi chỗ khác chơi (cho người ta mần việc).
Mấy nhóc tì của thế hệ này được huấùn luyện hay ho là chúng tưởng cha mình có cuộc sống… chính nghĩa là việc làm và do đó gia đình đừng có lạng quạng đòi hỏi ổng phải hy sinh cái gì cho họ nữa. Có một tay tuyên bố… xanh dờn về thằng con trai ngỗ nghịch như sau: “tôi không biết bà xã Betty làm cái gì với thằng bé. Tôi biết tôi chả có ăn thua gì trong chuyện này, vì tôi phải đi làm suốt ngày và để nó lại cho bả. Tôi hầu như không thấy mặt nó nên nếu nó hư thân mất nết thì tôi đâu có làm gì bậy đâu!”.
Cuộc sống do đó trở thành khó khăn cho mấy thằng bé và cả mấy ông bố vì có nhiều ông thú nhận đau khổ là đã không cống hiến sự che chở, sự nuôi nấng trìu mến, làm gương và đặc biệt là..khai quang điểm nhãn cho thằng bé khi nó chập chững vào đời. Nhiều thanh thiếu niên chờ đợi mỏi mòn ở người cha một cữ chỉ hướng dẫn và đối xử với chúng theo một cách nào đó mà chúng cảm thấy mình đã lớn và đàng hoàng ra (to be considered a man).
Cái đáng thương là mặc cho ước vọng được một người bố hướng dẫn làm mọi việc, từ chịu đựng cái đau cơ thể đến mấy chuyện chúng cũng biết là... tầm bậy, chúng cũng không có ai làm chuyện “khai nhãn” này. Bạn bè thì không đủ thân mật và bản lĩnh để chỉ cho chúng thấy nỗi xấu hổ “không là đàn ông thực thụ”. Chúng cần một người bố biết bao nhiêu!
Nếu cần điểm qua 200 năm hay chỉ 2 thế hệ, chúng ta thấy thái cực này đã bước qua thái cực khác. Mấy đức bé không phải có quá nhiều tình mẹ nhưng là có quá ít tình cha.
Cái xảy ra giữa bố và con- và cái không xảy ra giữa bố và con- là cái quyết định quan trọng nhất về chuyện sau này thằng bé có trở nên người cha đúng nghĩa và sinh con rồi nuôi dạy con nên người hay không, hay nó phải mang mặc cảm đáng thương nhiều khi đến suốt đời là không ai có thể hiểu được nó.
Vậy nếu bạn đang có chức năng cao quý là được làm cha thì hãy suy nghĩ một chút là thực ra, tận trong thâm sâu, tất cả chúng ta, những “bố già” đúng nghĩa nhất, rất mê có con, không phải chỉ có khơi khơi mà là có để nuôi nó (hay chúng) nên người (we are yearning for children, not just children to have but children to raise).
Bạn biết không, làm cha là nghệ thuật “đàn ông nhất” mà một người đàn ông có thể có trên cõi đời này.
Theo “Psychology Today”
Đăng nhận xét