Latest Post

Khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều, cùng với những thay đổi về nội tiết trong thai kỳ, các yếu tố ô nhiễm môi trường và những thay đổi nhiệt độ bất thường lúc giao mùa khiến thai phụ là đối tượng để virut và vi khuẩn tấn công.

Cơ thể bà bầu dễ mắc một số bệnh. Hoặc nếu có bệnh từ trước thì dễ nặng lên lúc mang thai. Vì vậy, bà bầu cần có kiến thức để phòng ngừa.

Mất ngủ

Mất ngủ là một triệu chứng thường thấy ở phụ nữ mang thai, dễ gặp ở hai giai đoạn: 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Mất ngủ không nguy hiểm cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi nhưng nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên với những chứng bệnh khác sẽ làm tăng cảm giác khó chịu cho bà bầu.

Để bà bầu được ngon giấc và đây cũng là yếu tố quan trọng cho thai phát triển tốt, thì cần chú ý ngay từ dinh dưỡng. Trước khi ngủ, bà bầu không nên ăn quá no hoặc ăn thức ăn chứa nhiều gia vị cay, nóng, tránh uống quá nhiều nước trước khi ngủ sẽ kích thích buồn tiểu và phải thức giấc giữa chừng... 

Khi mang thai, bà bầu không nên dùng đồ uống có gas hay chất kích thích như trà, cà phê vào buổi tối. Tư thế ngủ cũng cần được lưu ý để bà bầu ngủ ngon giấc. Có thể kê một chiếc gối cao gối đầu khi ngủ hoặc ngủ trên võng, ghế đứng. Bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ, tư thế ngủ này sẽ giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. 

Trong trường hợp bụng bầu quá cỡ, bạn nên chèn một chiếc gối mềm ở phần bụng hoặc mua những chiếc gối chuyên dùng cho bà bầu. Tư thế ngủ thoải mái sẽ giúp cả mẹ và bé đều thoải mái, dễ có giấc ngủ ngon hơn. Tránh xem phim hay các chương trình dễ gây cao hứng trước khi đi ngủ. Cần giữ tâm thật an và tinh thần thật thoải mái để có giấc ngủ ngon.


Khi mang thai nên uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ tránh táo bón.

Hen phế quản

Là bệnh dễ gặp khi có thai và cũng là lo lắng lớn của phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ có sẵn bệnh trước khi có thai thì khi mang bầu, tình trạng thai nghén sẽ nặng hơn. Trong thực tế gặp khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen, nhất là khi thời tiết thay đổi. Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ cao cho mẹ hoặc thai. 

Những trường hợp hen không được điều trị hiếm khi gây tử vong nhưng cũng có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén và sinh non. Với thai nhi, những biến chứng có thể gặp khi người mẹ bị hen không được điều trị tốt là chậm phát triển trong tử cung, sinh non; nhẹ cân, ngạt khi sinh...

Viêm mũi xoang dị ứng

Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 15-20% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và là rối loạn thường gặp nhất, gây khó chịu trong thời kỳ thai nghén. Với những người có cơ địa dị ứng, khi mang thai lại trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố dị nguyên, do vậy chứng viêm mũi cũng xảy ra thường xuyên hơn. Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ hắt hơi, chảy mũi liên tục, ngứa mũi, nước mũi chảy ra giàn giụa hoặc nghẹt mũi, rất khó chịu. Đặc biệt, các triệu chứng ban đầu của viêm mũi xoang dị ứng rất giống với triệu chứng bệnh cúm.

Vì vậy khi bị viêm mũi xoang dị ứng, mẹ bầu cần bình tĩnh để xử trí. Để phòng bệnh, trước hết, phụ nữ mang thai cần giữ nhà cửa, môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ, không  nuôi súc vật trong nhà. Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, các loại thủy hải sản... 

Không tiếp súc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, các mùi hương có tính kích thích mạnh như: nước hoa, hơi cay... Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột...

Bệnh cúm

Là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do virut gây ra. Bệnh cúm rất dễ lây qua các hạt bụi nước có chứa virut khi người bệnh ho, hắt hơi hay do tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, bà bầu dễ bị lây nhiễm cúm hơn và thường nặng hơn do giảm sút khả năng miễn dịch, vì thế cúm nguy hiểm hơn với phụ nữ mang thai: tỷ lệ tử vong tăng lên nhiều lần, diễn biến cũng có thể lâu hơn. 

Bệnh cúm còn gây nguy cơ với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ như sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non trong những tháng cuối. Ngoài ra, cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh hở hàm ếch ở thai nhi. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị cúm thì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương. Tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. 

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm mà cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể.

Bệnh trĩ và táo bón

Bà bầu thường ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động. Cùng với việc bổ sung nhiều chất bổ dưỡng, tăng cường các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân gây táo bón cho bà bầu. Khi bị táo bón, nhiều thai phụ dễ bị ức chế, có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hay cáu gắt, thậm chí chán ăn... 

Điều này nếu kéo dài có thể khiến cơ thể mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng, thai nhi không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến chậm phát triển, dễ mắc các khuyết tật, sau khi sinh sẽ có sức đề kháng kém... Hơn nữa, táo bón lâu ngày là nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ.

Ngoài ra, theo thời gian, bào thai phát triển sẽ khiến tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu thai phụ bị chèn ép là nguyên nhân hình thành trĩ. Người đã bị trĩ thì bệnh sẽ nặng hơn khi mang thai và sau sinh do khi sinh tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn hoặc việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.

Để phòng hai chứng bệnh này, thai phụ càng nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả. Hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không nên ăn nhiều muối, đường. Đặc biệt không sử dụng thức ăn có chất kích thích...

Nuôi dưỡng trẻ trong năm đầu đời vô cùng quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo, trong 6 tháng đầu thức ăn của trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ là tốt nhất, sau đó là giai đoạn ăn bổ sung. 

Nếu thực hành nuôi dưỡng tốt trẻ sẽ phát triển tốt giúp trẻ đỡ ốm đau và phòng được các bệnh nguy hiểm khác. Sau đây là những nguyên tắc nuôi dưỡng trẻ mà các mẹ nên làm.

Nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày trong năm đầu

Số bữa ăn trong ngày: 

Tuần lễ đầu (8-10 bữa), 1 tuần đến 1 tháng (7- 8 bữa), 2 tháng đến 5 tháng (6-8 bữa), 6 tháng đến 12 tháng (5-6 bữa).

Khối lượng thức ăn trung bình được chấp nhận trong mỗi bữa ăn của trẻ: 1-2 tuần đầu (55-80g), 3 tuần đến 2 tháng (110-140g), 2-3 tháng (140-170g), 3-4 tháng (170-195g), 5-12 tháng (195-200g).

Thức ăn của trẻ: 

Chủ yếu là  sữa mẹ, sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo, dễ tiêu hóa và hấp thu. Sữa mẹ bài tiết trong tuần đầu sau đẻ gọi là sữa non. Sữa non có nhiều năng lượng protein và vitamin A đồng thời lại có nhiều chất kháng khuẩn tăng cường miễn dịch cho trẻ. Tuần đầu là sữa non, tuần thứ 2-4 tháng sữa ổn định, từ 5 tháng đến 1 tuổi sữa ổn định và cho ăn bổ sung.



Sau giai đoạn sữa non sữa mẹ chuyển thành sữa ổn định, 6 tháng đầu trung bình bà mẹ có thể tiết ra 600-800ml/ngày, 6 tháng sau khoảng 400-600ml/ngày, năm thứ 2 khoảng 200-400ml/ngày. Vì thế trong 6 tháng đầu bà mẹ hoàn toàn đủ sữa cho con bú mà không cần cho ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì.

Ăn bổ sung: 

Sữa mẹ chỉ đáp ứng được hoàn toàn cho trẻ trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trẻ phát triển rất nhanh đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng rất cao, sữa mẹ lúc này không đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ do vậy cần phải cho trẻ ăn thêm gọi là ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm). 

Nguyên tắc ăn bổ sung là cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị của trẻ. 

Chế biến đa dạng, giàu dinh dưỡng. 

Dụng cụ chế biến phải sạch, thực phẩm phải an toàn không ôi thui, ô nhiễm... Trong  một bữa ăn phải đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng sữa, đậu, đỗ, lạc, vừng,...; Nhóm cung cấp chất bột đường: gạo, mì, khoai, ngô...; Nhóm chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng...; Nhóm giàu vitamin và khoáng chất: rau, củ, quả, đặc biệt rau có màu xanh thẫm, quả có màu đỏ, vàng. 

Hơn nữa, ăn bổ sung hợp lý đòi hỏi phải biết cách chế biến thức ăn, nếu chỉ cho trẻ ăn nước thịt, nước xương, nước rau luộc thì dù ăn đủ bữa trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu. Vì vậy, ngay từ khi mới tập cho ăn bổ sung phải tập cho trẻ ăn cả nước cả cái, kể cả rau xanh.

Trong ăn bổ sung hợp lý số bữa ăn của trẻ phải phù hợp với từng tháng tuổi:

- 6 đến 7 tháng: bú mẹ là chính + 1-2 bữa bột loãng đặc dần lên và nước quả;
- 8 đến 9 tháng: bú mẹ + 2-3 bữa bột đặc + nước quả ép hoặc nghiền.

Với trẻ ăn nhân tạo (vì lý do không có sữa mẹ) có thể cho trẻ ăn bổ sung sớm hơn (từ tháng thứ 4-5).

Không chỉ số bữa phù hợp với tháng tuổi mà lượng các chất dinh dưỡng trong mỗi ngày cũng phải phù hợp với tháng tuổi của trẻ. Hiện nay, xu hướng các bà mẹ thường cho con ăn quá nhiều chất đạm nhưng lại thiếu chất bột đường và rau quả thì cũng không tốt. Nên thực hiện như sau:

Nấu bột cho trẻ 6-7 tháng tuổi: bột gạo 10g (tương đương 2 thìa cà phê); lòng đỏ trứng gà 1/2 quả hoặc thay thế bằng 2 thìa bột cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ ăn cả cái); Rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ); Dầu ăn hoặc mỡ 1/2 -1 thìa cà phê; Gia vị vừa đủ.
Nấu bột cho trẻ 8-12 tháng tuổi: Bột gạo 20-20g (tương đương 4-5 thìa cà phê); Lòng đỏ trứng gà 1 quả hoặc 3 thìa cà phê thịt, tôm, cá băm nhỏ; Dầu ăn hoặc mỡ: 1-2 thìa cà phê; 20g rau xanh.

Lời khuyên của thầy thuốc


Ngoài việc chăm sóc về nhu cầu dinh dưỡng thì trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (lao, viêm gan virut, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị Rubela, viêm não Nhật Bản...). Nếu trẻ được chăm sóc tốt trong những năm đầu đời thì sẽ phát triển tốt về thể lực và trí tuệ. 

Nghiên cứu cho thấy, chiều cao của trẻ lúc trưởng thành phụ thuộc phần lớn vào dinh dưỡng, hoạt động thể lực và môi trường. Môi trường ô nhiễm, khói bụi và khói thuốc lá, làm trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp; Cùng với dinh dưỡng không đảm bảo vệ sinh trẻ dễ bị tiêu chảy. Các nguyên nhân trên làm trẻ suy dinh dưỡng từ đó sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh và ngược lại.

Theo Y học cổ truyền, mụn nhọt phần nhiều do huyết nhiệt và nhiệt độc gây nên. Nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn uống không phù hợp, vệ sinh kém… đều có thể sinh mụn nhọt. Chọn những món ăn thuốc bổ mát có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc rất cần thiết. Sau đây là một số món ăn thuốc từ rau củ quả trị mụn nhọt.

Rau càng cua: vị ngọt, tính mát. 

Tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, giải độc, hành ứ, chỉ thống, lợi tiểu tiện… Trị mụn nhọt do can hỏa độc, mụn nhọt mới sưng nóng đỏ đau, huyết nhiệt mụn trứng cá, đinh râu, đầu ngón tay chín mé sưng đau, mụn hạch, polip đại tràng do huyết thực nhiệt. Dùng ngày 50g hoặc hơn bằng cách ăn sống, bóp dấm ăn, ăn kèm với cua, cá.


Rau càng cua trị mụn nhọt do can hỏa độc, mụn trứng cá do huyết nhiệt.

Rau má: vị đắng tính hàn. 

Tác dụng thanh nhiệt mát gan, nhuận phế, giải độc, dưỡng âm. Chữa mụn nhọt da khô sần, chàm vẩy nến, rôm sảy, phong ngứa và các chứng liên quan đến huyết nhiệt. Dùng ngày 50g hoặc hơn nấu canh với thịt, cá, hoặc luộc, xay sinh tố uống.

Theo Đông y, mụn nhọt phần lớn do nhiệt độc và huyết nhiệt gây nên, liên quan đến chế độ ăn uống không phù hợp, vệ sinh kém…

Dấp cá: vị cay, mùi hơi tanh của cá, tính mát, hơi có độc. 

Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, trừ mụn trĩ... Dùng rất tốt cho thanh thiếu niên người nóng nhiệt nổi mụn nhọt, trứng cá, đinh râu, trĩ mụn nhọt hậu môn, mụn lở ngứa làm độc... Dùng ngày 50g hoặc hơn bằng cách ăn sống, xay ép nước uống, hoặc sắc nước uống.


Rau dấp cá

Rau diếp: 

vị ngọt hơi đắng tính hàn, không độc, tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, an thần, nhuận trường, lợi sữa… Trị chứng mụn nhọt, lở ngứa, vảy nến, phụ nữ sau sinh tắc tia sữa. Dùng ngày 80g hoặc hơn, ăn sống, nhúng dấm, ăn canh, luộc, xay sinh tố uống.

Rau bát: 

vị ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, thanh giải nhiệt độc... Trị các chứng mụn nhọt phong ngứa, vảy nến, người đái tháo đường ngoài da lở ngứa lâu lành. Dùng ngày 50g hoặc hơn nấu canh cua cá, hoặc ăn sống, xay nước sinh tố uống đều tốt.

Atiso: 

vị ngọt, tính mát, tác dụng thông mật mát gan, lọc máu tiêu độc… Trị chứng mụn nhọt, trứng cá, phong ngứa, chàm vảy nến do huyết nhiệt. Dùng bông tươi nấu canh, thịt giò heo, thịt vịt hoặc nấu nước uống.

Đậu xanh:

vị ngọt, tính mát, mùi hơi tanh, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát, giải tất cả các chất độc, trừ phiền nhiệt, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng. Dùng nấu chè, nấu cháo, hầm ăn, xay bột làm bánh ăn.

Bí đao: 

vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng thanh phế mát vị, sinh tân, hoá đàm, lợi đại tiểu tiện, trừ mụn nhọt, nhuận da… Phòng trị chứng mụn nhọt, rôm sẩy, da khô sần, nám mặt lâu ngày, các chứng liên quan huyết hư táo... Dùng bằng cách nấu canh thịt vịt, chân giò ăn đều ngon.

Mã đề: 

vị ngọt tính hàn, không độc, tác dụng lợi tiểu, thanh phế, mát gan… Trị chứng mụn nhọt do thấp nhiệt thường lở ngứa mông đùi, hai chân chảy nước lâu lành. Bằng cách nấu canh với cá thịt hoặc tươi, phơi khô nấu nước uống.

Lô hội: 

vị đắng tính hàn. Tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt. Trị mụn, trứng cá, đinh râu kèm đi cầu táo bón. Bằng cách hái lá, tước vỏ cứng 50g hoặc nhiều hơn phối hợp đậu xanh nấu chè ăn.

Con trai đầu lòng gần 2 tháng tuổi, sắp tới phải tiêm ngừa theo lịch nhưng em phân vân không biết văcxin 5 trong 1 khác gì 6 trong 1? Em chọn loại nào cho con? Xin cảm ơn. (Lý).

Thông tin hữu ích

Danh mục vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ em
Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem là gì
Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim là gì
Vì sao nên tiêm vắc-xin đúng lịch?
Phân biệt sự khác nhau giữa vắc xin Pentaxim và Quinvaxem

Vacxin 5 trong 1 và vacxin 6 trong 1 loại nào tốt hơn?


Ảnh minh họa: VTV.

Trả lời:

Chào em,

Mục đích tiêm ngừa văcxin 6 trong 1 là để ngừa 6 loại bệnh nguy hiểm ở trẻ em gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não do vi trùng HiB, viêm gan B và bại liệt. Tiêm văcxin 6 trong 1 Infarichexa tại các cơ sở tiêm dịch vụ đều có đầy đủ 6 thành phần này.

Văcxin 5 trong 1 thì có 2 loại. Loại thứ nhất của Quinvaxem ở trạm y tế có 5 thành phần trên, chỉ thiếu thành phần ngừa bại liệt. Trạm luôn có bổ sung bằng liều văcxin uống ngừa bại liệt. Loại thứ hai là văcxin 5 trong 1 Pentaxim tại các cơ sở tiêm dịch vụ, có 5 thành phần, chỉ thiếu viêm gan B. Có thể bổ sung bằng liều văcxin viêm gan B đơn.

Thông thường, lịch tiêm ngừa cho trẻ gồm 3 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu 28 ngày với mũi đầu tiên tiêm khi trẻ đủ 2 tháng. Nhắc thêm mũi 4 lúc bé được 18 tháng hoặc 6 tháng sau mũi 3. 

Lịch tiêm có thể dao động tùy tình hình thực tế (trẻ bệnh, hết thuốc), trễ một chút cũng không sao, nhưng đừng để trễ quá vì trẻ có rủi ro bị bệnh trước khi đủ liều. Không được chủng ngừa sớm hơn khuyến cáo, chẳng hạn như tiêm trước 2 tháng tuổi hoặc tiêm nhắc lại sớm hơn lịch hẹn, như thế văcxin sẽ mất tác dụng và phải tiêm lại.

Thân ái.

Các nhà khoa học đã tìm ra cách thức "ngọt ngào" giúp trẻ sơ sinh chống lại liên cầu khuẩn nhóm B: một loại đường có trong sữa mẹ.

Tham khảo thêm: Sữa mẹ có lợi ích gì?

Kết quả này được đăng trên tạp chí ACS Infectious Diseases và được trình bày trong hội nghị thường niên của giới hóa học Mỹ.

Theo đó, loại đường có trong sữa mẹ có thể đã giúp cơ thể trẻ kiểm soát được liên cầu khuẩn nhóm B, giúp bé hạn chế bị nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc những ngày đầu đời.

Mục tiêu của các nhà khoa học giờ đây là xác định cụ thể loại đường nào đóng vai trò chính trong quá trình này, rồi dựa trên đó để chuyển hóa thành một loại thuốc kháng sinh mới vô cùng giá trị.

Loại kháng sinh này được kỳ vọng có thể giải quyết một số vấn đề khó trong y học như phá hủy tính bền vững của một số loại vi khuẩn bằng cách sử dụng những kháng sinh hiện có.

Tuy nhiên, một trong những phát hiện thú vị trong nghiên cứu là sự đa dạng về mức ảnh hưởng của sữa mẹ từ các nguồn khác nhau.


Một loại đường trong sữa mẹ có thể giúp cơ thể trẻ chống lại liên cầu khuẩn nhóm B - (Ảnh: Istockphoto).

Nhà hóa học Steven Townsend từ Trường đại học Vanderbilt, Mỹ cùng đồng nghiệp đã tiến hành thu thập các mẫu sữa mẹ từ 5 phụ nữ khác nhau. Sau tách chiết hỗn hợp đường trong mỗi loại sữa mẹ trên, nhóm nghiên cứu trộn chúng với nước để đạt được tỉ lệ giống như trong sữa mẹ thông thường.

Sau đó các nhà khoa học đặt chúng trong những đĩa thí nghiệm chung với streptococcus agalactiae - một liên cầu khuẩn nhóm B.

Kết quả, trong 5 mẫu, một loại đường trong sữa mẹ đặc biệt có sức cản phá mạnh mẽ với các vi khuẩn bằng cách chống lại quá trình làm tổ và nhân bản của nó. Một mẫu khác thì cho thấy tác động trung bình với các vi khuẩn, trong khi ba mẫu còn lại có hiệu quả không cao.

Theo các nhà khoa học, mỗi loại đường của một người phụ thuộc vào nồng độ của enzyme glycosyltransferase - enzyme có vai trò hình thành các liên kết trong phân tử đường, và sự đa dạng của các protein giúp cấu thành nên đường.

Từng nhóm protein này lại được cấu tạo từ nhiễm sắc thể đặc biệt ở mỗi người.

Dù vậy, đây là mới chỉ là sự khác biệt ban đầu. Ngoài đường, các chất còn lại trong sữa mẹ cũng có khác biệt giữa các phụ những bà mẹ với nhau.

Lý do của sự khác biệt này chưa được biết rõ, nhưng cấu tạo cơ thể và chế độ ăn và thậm chí là việc người phụ nữ đang nuôi con trai hay con gái đều có thể là nguyên nhân.

Ngoài ra, trong một cơ thể, sữa mẹ cũng đã rất đa dạng, biến đổi qua nhiều tháng, qua nhiều ngày, thậm chí chỉ trong ít phút.

Ví dụ, sữa mẹ thường béo trong khoảng hơn một tiếng rưỡi sau khi con bú. Và sữa mà người mẹ cho con bú trong khoảng thời gian nhiều hơn 7 tháng rất khác so với những tháng đầu tiên vì có tỉ lệ kẽm, đồng và kali thấp hơn.

Sức Khỏe

[Suc-khoe][fbig1]

Làm Đẹp

[Lam-dep][fbig2]

Làm Mẹ

[Lam-me][column1]

Ẩm Thực

[Am-thuc][column2]

Khám Phá

[Kham-pha][hot]

Thời Trang

[Thoi-trang][gallery1]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.