Vì sao trẻ bú sữa mẹ lại có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn?
Từ khoảnh khắc lọt lòng mẹ, cơ thể chúng ta bắt đầu phát triển một lớp áo bảo vệ tinh tế có cấu tạo hoàn toàn bằng vi sinh vật.
Tìm hiểu xem vi khuẩn nào, virus nào cần giữ lại và vi khuẩn, virus nào cần loại bỏ là một quá trình phức tạp có thể tạo nên sự khác biệt giữa một hệ miễn dịch khỏe mạnh và dị ứng suốt đời kèm theo rối loạn tự miễn dịch.
Cơ thể chúng ta quản lý hệ miễn dịch như thế nào vẫn là một vấn đề chưa ai hiểu rõ. Theo các kiến thức khoa học mới nhất thì các cơ chế bảo vệ cơ thể chúng ta trước cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các mối quan hệ của cơ thể với các vi sinh vật trong những tuần đầu tiên sau khi ra khỏi bụng mẹ.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Trường đại học Birmingham, Anh, đã đi sâu tìm hiểu về quá trình này và phát hiện ra rằng, sữa mẹ giúp cho sự tăng trưởng của các tế bào miễn dịch quan trọng có chức năng xử lý viêm nhiễm.
Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh Gergely Toldi của Trường đại học Birmingham cho biết trước đây chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về ảnh hưởng của loại sữa trẻ bú trong một vài tuần tuổi đầu tiên đối với sự phát triển phản ứng miễn dịch. Nghiên cứu lần này là nghiên cứu đầu tiên về tầm quan trọng vượt bậc cũng như sự tham gia của loại tế bào đặc biệt này đối với trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ.
Nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu các chức năng miễn dịch của 38 trẻ sơ sinh đủ ngày và sinh mổ. Những trẻ này được chia theo nhóm ăn sữa mẹ, ăn sữa công thức hoặc ăn cả hai loại sữa, và có mẫu máu và mẫu phân lấy ngay khi chào đời và 3 tuần sau khi sinh.
Sự khác biệt của tế bào T điều hòa ở hai nhóm trẻ khác nhau rõ rệt. Những trẻ chỉ bú sữa mẹ có số tế bào T tăng gấp đôi so với những trẻ chỉ bú sữa công thức. Bản thân các tế bào T cũng có biểu hiện tăng cường hoạt động ức chế.
Sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh rất nhiều các loại kháng khuẩn và dưỡng chất vào đúng thời điểm giúp cho hệ miễn dịch phát triển phù hợp với tất cả những gì cơ thể cần để chống lại sự nhiễm khuẩn.
Nhưng bản thân quá trình cho con bú không hề kháng khuẩn mà truyền qua đó không chỉ hệ vi sinh trên da của người mẹ mà còn cả rất nhiều tế bào của cơ thể mẹ. Trong những tuần đầu non nớt, rất nhiều vật chất bên ngoài có thể dễ dàng lấn át hệ miễn dịch của trẻ. Kích thích các tế bào T điều hòa bảo vệ cơ thể đứa trẻ khỏi các tế bào lạc từ cơ thể mẹ sang rất có thể chính là mục đích để giữ cho bé được mạnh khỏe.
Vì sao sữa mẹ lại có tác dụng này thì đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích được chính xác hoàn toàn. Một nghiên cứu mới đây trên chuột cho thấy một vòng lặp phản xạ diễn ra, trong đó có sự kết hợp hóa sinh giữa mẹ và con để điều chỉnh quá trình này cho phù hợp.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường đại học Birmingham đã đưa ra một manh mối. Ở những trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, các vi khuẩn đường ruột hỗ trợ chức năng của tế bào T có nhiều hơn. Điều này có thể giải thích vì sao trẻ sơ sinh bú sữa mẹ lại có nhiều tế bào T hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết họ chỉ theo dõi trẻ sơ sinh đẻ mổ để giảm biến chứng miễn dịch. Tuy vậy, theo dõi trẻ sơ sinh đẻ thường cũng là một đề tài cần nghiên cứu, đặc biệt là vì lý do có sự khác biệt trong hấp thụ hệ vi sinh ở những trẻ sinh bằng hai phương pháp khác nhau.
Điều quan trọng cần lưu ý là trong thế giới ngày nay, "nuôi con bằng sữa mẹ" là thêm một áp lực mà nhiều bà mẹ thấy khó gánh vác. Cho con ăn sữa công thức thường là cách không ai muốn nhưng dễ quyết định lựa chọn, vì lý do giảm áp lực hoặc với nhiều người thì đơn giản là họ chẳng có nhiều lựa chọn nào khác.
Ngoài những lợi ích được khoa học chứng minh, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại cho đứa trẻ và bà mẹ nhiều lợi ích khác như sự thuận tiện, tiết kiệm, và xa hơn là tiết kiệm tài nguyên cho xã hội.
Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh Toldi của Trường đại học Birmingham nói rằng nhóm nghiên cứu hi vọng những kiến thức giá trị mà họ tìm thấy sẽ giúp tăng nhận thức và tăng hành động nuôi con bằng sữa mẹ, để ngày càng có nhiều em bé được lớn lên khỏe mạnh hơn.
Theo Dân Trí